TIỀM LỰC, NHÂN LỰC LÀ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN

Cùng với các địa phương khác trong cả nước, Bình Phước đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Do đó, việc thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tạo ra cú huých cho sức bật của nền kinh tế. Tuy nhiên thực tế cho thấy, dòng vốn đầu tư không tự nhiên đến mà phụ thuộc rất lớn vào chính sách thu hút ưu đãi, sự chuẩn bị sẵn sàng của địa phương, bao gồm cả đất đai, nguồn nhân lực, hạ tầng… hay việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút làn sóng vốn FDI.

Nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư

Theo số liệu thống kê về thu hút vốn đầu tư FDI của các tỉnh miền Đông Nam Bộ, 7 tháng năm 2022, tỉnh Bình Dương đạt 2 tỷ 527 triệu USD; Đồng Nai đạt 321,34 triệu USD; Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 296,75 triệu USD; Tây Ninh đạt 245 triệu USD; Bình Phước đạt 50 triệu USD; Bình Thuận đạt 19,3 tỷ VNĐ; Ninh Thuận đạt hơn 8,9 tỷ VNĐ. Nhìn sang bên cạnh, huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) tiếp giáp với tỉnh Bình Phước. Sau 8 năm thành lập, tính đến tháng 6-2022, huyện Bàu Bàng thu hút 1.042 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 40.450 tỷ 880 triệu đồng, đầu tư nước ngoài 215 dự án với tổng vốn đăng ký 4 tỷ 646,8 triệu USD.

Có thể nói “mọi sự so sánh đều khập khiễng”, tuy nhiên so sánh với chính mình và so sánh với các địa phương khác để xem Bình Phước đã tiến bộ đến đâu và đúc rút được những bài học quý giá gì. Nhưng đúng là không có hình mẫu hay giải pháp nào có thể sao chép, bởi Bình Phước có thế mạnh đặc thù riêng, nhiều lợi thế phát triển và đặc biệt luôn có khát vọng vươn lên mạnh mẽ.

GRDP của Bình Phước tăng trưởng mạnh

9 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Bình Phước đạt 9,01%, thuộc tốp cao của cả nước

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: Bình Phước có khát vọng phát triển mạnh mẽ, điều đó đã và đang được tỉnh cụ thể hóa bằng các chính sách, chiến lược phát triển qua 6 lĩnh vực trọng tâm; thông qua 60 kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để hoạch định chiến lược phát triển trên tất cả lĩnh vực. Trong đó, lấy công nghiệp hóa là trung tâm của sự phát triển, đặc biệt là tập trung phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo và các ngành công nghiệp hỗ trợ khác…

Khát vọng đó được cụ thể hóa bằng chương trình hành động và bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực trên từng lĩnh vực. Cụ thể, Bình Phước xếp hạng khá cao về chuyển đổi số (thứ 9/63 tỉnh, thành phố). Hạ tầng số được cải tạo, nâng cấp mạng 4G phủ sóng 100% diện tích của tỉnh. Chính quyền số được phát triển với việc hiện đại hóa hoạt động hành chính, ứng dụng ký số, sử dụng văn bản điện tử, họp không giấy, cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đối với nguồn nhân lực, tỉnh đang tập trung phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Bình Phước xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 3, 4; đến nay có 1.474 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia (xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố). Đây là tiền đề, là cơ sở vững chắc để Bình Phước đón làn sóng vốn đầu tư FDI.

9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 9,01%; thu ngân sách thực hiện 11.500 tỷ đồng, tăng 27,5% so cùng kỳ năm 2021; tổng chi ngân sách thực hiện 10.053 tỷ đồng, tăng 1% so cùng kỳ. Xuất khẩu đạt 3.140,75 triệu USD, tăng 9,53% so cùng kỳ năm 2021 và đạt 81,6% so với kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1.986,5 triệu USD, tăng 4,08% so cùng kỳ, đạt 81,75% so với kế hoạch năm.

Thế mạnh + nhà đầu tư mạnh = kinh tế mạnh

Theo đánh giá của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, dưới góc nhìn về đầu tư, Bình Phước có “5 cái nhất”, trong đó diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ là điều kiện rất thích hợp phát triển công nghiệp chế biến chuyên sâu. CPV Food là công ty con của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, khánh thành tháng 12-2020. Đây là tổ hợp nhà máy chăn nuôi, chế biến thịt gà xuất khẩu hiện đại và lớn tại Việt Nam, tọa lạc tại Khu công nghiệp Becamex – Bình Phước (thị xã Chơn Thành), với vốn đầu tư 250 triệu USD. Sau một thời gian dài chuẩn bị, lô hàng 33,6 tấn thịt gà chế biến mang thương hiệu CPV Food đã chính thức xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: Chỉ ở Bình Phước mới có không gian phát triển để CPV Food Bình Phước thực hiện được tổ hợp nhà máy. Nhờ đó, chỉ sau 2 năm hoạt động, chúng tôi đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Nhật Bản. Thịt gà Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đánh dấu sự bắt đầu hành trình đưa sản phẩm gà chế biến ra thị trường nước ngoài. Thành công của CPV Food tại Bình Phước là từ dự án chuỗi liên kết sản xuất khép kín thịt gà chế biến và sẽ đóng góp vào giá trị kim ngạch xuất khẩu, mang đến việc làm cho hàng ngàn người dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp Bình Phước

Sau một thời gian dài chuẩn bị, lô hàng 33,6 tấn thịt gà chế biến mang thương hiệu CPV Food chính thức được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Thành công của CPV Food tại Bình Phước sẽ đóng góp vào giá trị kim ngạch xuất khẩu, mang đến việc làm cho hàng ngàn người dân trên địa bàn tỉnh

Trước đây, nhiều người có suy nghĩ, nhà đầu tư đến Bình Phước theo quy luật “nước tràn”, tức là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương lấp đầy thì DN ắt sẽ tìm đến Bình Phước. Nếu không thì những DN có vốn FDI đến Bình Phước do hoạt động trong lĩnh vực ít thân thiện với môi trường, có mức độ phát thải lớn, giá trị gia tăng thấp hoặc đó là những dự án FDI chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị, chủ yếu gia công, công nghiệp nhẹ, quy mô dự án trung bình và nhỏ.

Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không đúng. Mặc dù DN đến đầu tư tại Bình Phước còn khiêm tốn so với các tỉnh trong khu vực, song lãnh đạo tỉnh có quan điểm không thu hút đầu tư bằng mọi giá, thay vào đó thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh theo đúng Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Trong 6 kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, có nêu rõ việc thu hút nguồn vốn phát triển công nghiệp chế biến sâu theo hướng cụm ngành góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp trong GRDP, tăng thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong đó yêu cầu các ngành chức năng cần huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân và vốn FDI, để đầu tư chế biến sâu, chú trọng các nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực tài chính, năng lực công nghệ cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bảo đảm 100% nguyên liệu hạt điều, gỗ rừng trồng, nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là trái cây và các sản phẩm từ thịt heo, gà) được chế biến và đóng gói thành phẩm tại tỉnh, nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Đồng thời phát triển công nghiệp công nghệ cao (CNCNC) là giải pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong tình hình mới, là nhiệm vụ cần thiết để phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Do xuất phát điểm trễ hơn so với các tỉnh, thành trong khu vực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy định hướng cần đi tắt, đón đầu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung phát triển công nghệ chủ lực, có lợi thế, phù hợp tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh. Phát triển CNCNC gắn với phát triển khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực có trình độ cao, coi trọng chất lượng tăng trưởng và giá trị tăng thêm của sản phẩm CNCNC.

Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Bình Phước với nhà đầu tư các nước, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… lãnh đạo tỉnh mong muốn DN tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mà Bình Phước có lợi thế như: công nghiệp chế biến gỗ, đồ gỗ nội thất; chế biến thực phẩm; chế biến hàng hóa từ mủ cao su; công nghiệp điện tử, sản xuất linh kiện, phụ kiện điện tử; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị trong công, nông nghiệp; đầu tư xây dựng các khu thương mại, dịch vụ; đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục…

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Phước ngày 20-3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những chính sách thu hút đầu tư của Bình Phước. Thủ tướng đề nghị Bình Phước đẩy mạnh xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật để tạo thêm sức hút nhiều DN tiếp cận và quyết định đầu tư. Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có “bộ lọc” nhất định khi thu hút dự án, trong đó cần thực hiện những dự án mang tính chiến lược, thực hiện tốt an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất cho người lao động, nhà ở xã hội, hạ tầng y tế, văn hóa cho công nhân, an toàn lao động, cũng như áp dụng các biện pháp tối đa bảo vệ môi trường.

Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra mục tiêu chung: Phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô nền kinh tế khá trong vùng Ðông Nam Bộ. Nghị quyết đề ra 3 chương trình đột phá chiến lược: đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng; đột phá trong cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đột phá trong phát triển nguồn nhân lực. Qua 2 năm thực hiện chương trình đột phá của tỉnh, hạ tầng của Bình Phước đang dần hoàn thiện, thủ tục hành chính được cải cách mạnh mẽ, chất lượng nguồn nhân lực đang dần được nâng lên, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo tiền đề thu hút nguồn vốn FDI. Ðể tạo bước phát triển mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có 6 kết luận về các lĩnh vực trong phát triển công nghiệp, đây được xem là đường ray, là kim chỉ nam cho công nghiệp Bình Phước phát triển đúng hướng, phát huy được tiềm năng, lợi thế. Ðặc biệt, ngày 7-10-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Ðông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Bình Phước sẽ xóa bỏ được “điểm nghẽn” trong liên kết vùng, đưa Bình Phước đến gần hơn với các tỉnh phát triển năng động như: TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… Với thế mạnh về không gian, về nguồn nguyên liệu về nhân lực cho phát triển công nghiệp và quyết tâm của hệ thống chính trị trong lãnh đạo điều hành, ngành công nghiệp đã, đang và sẽ phát triển nhanh, bền vững, là động lực Bình Phước thực hiện thành công Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI đã đề ra.

Xuân Túc – Báo Bình Phước

QUÝ KHÁCH CÓ NHU CẦU AN CƯ, ĐẦU TƯ TẠI DỰ ÁN CÁT TƯỜNG PHÚ HƯNG ĐỐI DIỆN KHU CÔNG NGHIỆP ĐỒNG XOÀI III – TP. ĐỒNG XOÀI (BÌNH PHƯỚC) VUI LÒNG LIÊN HỆ:

THÔNG TIN CHI TIẾT VUI LÒNG LIÊN HỆ:
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN ĐỊA ỐC CÁT TƯỜNG
– VPGD tại TPHCM: 259A Nguyễn Văn Trỗi, P.10, Q.Phú Nhuận, TP.HCM
– Fanpage: www.facebook.com/duancattuongphuhung
– Hotline: 0945 717 170